
Nhiều ý kiến ủng hộ chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính các cấp theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp (cấp tỉnh và cấp cơ sở) và cho rằng đây là cơ hội tốt để sàng lọc cán bộ, công chức, giữ lại những người tài phục vụ đất nước.
Phần lớn ý kiến bạn đọc gửi đến Diễn đàn “Sáp nhập tỉnh, không tổ chức cấp huyện, sắp xếp xã: Nghe dân nói” đều thể hiện sự đồng tình với chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính các cấp. Độc giả nhận định đây là một bước tiến quan trọng, giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền, giảm thiểu tình trạng bộ máy cồng kềnh.
Bổ nhiệm phải dựa trên kết quả sát hạch và hiệu quả KPI
Nhiều người đánh giá quá trình sắp xếp đơn vị hành chính các cấp, sáp nhập cấp tỉnh, cấp xã, không tổ chức cấp huyện không chỉ là cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy mà còn là cuộc cách mạng trong công tác cán bộ, mở ra cơ hội đổi mới mạnh mẽ trong công tác nhân sự, quản lý biên chế.
Độc giả Nguyễn Ái nhấn mạnh: “Công tác cán bộ là yếu tố quyết định thành bại của một chủ trương. Cần xây dựng tiêu chí rõ ràng để chọn người tài, thu hút nhân sự chất lượng cao cho từng vị trí. Nếu làm tốt, bộ máy hành chính sẽ vận hành hiệu quả, góp phần đưa đất nước phát triển mạnh mẽ”.
Nếu làm tốt công tác cán bộ, bộ máy hành chính sau khi sắp xếp sẽ vận hành hiệu quả. Ảnh: Thạch Thảo
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng cần xây dựng bộ tiêu chí đánh giá cán bộ, công chức một cách minh bạch, khách quan. “Mục tiêu của cải cách là giúp bộ máy vận hành hiệu quả hơn, quyết định cuối cùng vẫn nằm ở con người. Vì vậy, cần có tiêu chí đánh giá cụ thể, định lượng rõ ràng”, một độc giả bình luận.
Bạn đọc Tú Vân đề nghị hãy thi tuyển đầu vào (kể cả lao động hợp đồng), liệt kê đầu việc cho mỗi vị trí việc làm, có KPI cụ thể khi xếp loại lao động. Bởi đánh giá công việc hiện nay chủ yếu do thủ trưởng quyết định mang nặng cảm tính.
Cùng với đó là sát hạch định kỳ để giảm những người đứng cuối rồi tuyển người mới vào thay. Bổ nhiệm cũng phải dựa trên kết quả sát hạch và hiệu quả KPI.
Ông Nguyễn Thành Lập, cựu sĩ quan công an, đề xuất phương án “khoán lương” cho các bộ, tỉnh, thành phố để tự chủ cân đối biên chế, đảm bảo hiệu quả cao nhất. Ông cũng kiến nghị tăng biên chế cho giáo viên công lập và bác sĩ tại các bệnh viện công ở những đô thị lớn nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ công.
Quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác nhân sự
Về việc tinh giản biên chế cán bộ, công chức cấp xã sau khi bỏ cấp huyện, độc giả Phạm Thịnh nhận xét: “Cán bộ xã có năng lực nhưng điều kiện làm việc hạn chế hơn cấp huyện. Họ đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ khác nhau, từ văn hóa, xã hội, tuyên truyền, hỗ trợ chính sách đến quản lý các chế độ an sinh. Vì vậy, khi sắp xếp lại bộ máy, cần có phương án hợp lý để tận dụng tốt nguồn nhân lực này”.
Nhiều ý kiến cho rằng cần quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác sắp xếp nhân sự, đảm bảo giữ lại những cán bộ có năng lực, tránh tình trạng tinh giản nhưng chưa thực sự hiệu quả.
Trong khi đó, anh Nguyễn Sơn băn khoăn về chế độ đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã khi nằm trong diện tinh giản biên chế do sáp nhập bộ máy hành chính.
“Tôi là người hoạt động không chuyên trách cấp xã ở đã được 13 năm. Nghị định 178/2024 và Nghị định 67/2025 không đề cập tới quy định chế độ dành cho những người hoạt động không chuyên trách nằm trong danh sách tinh giảm. Vậy UBND cấp tỉnh có phương án gì để hỗ trợ cho chúng tôi hay không?”, anh lo lắng.
Báo VietNamNet cũng nhận được nhiều băn khoăn của các giáo viên, phụ huynh học sinh về chủ trương sắp xếp trường học khi sáp nhập 3, 4 xã làm một.
Nguồn : https://vietnamnet.vn/sap-nhap-tinh-khong-to-chuc-cap-huyen-co-hoi-loai-can-bo-kem-tuyen-nguoi-moi-2385348.html