
Vừa qua, Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM đã kiểm tra 7 vụ, tạm giữ 2.654 hộp sữa các loại, 40 kg bột sữa và buộc tiêu hủy toàn bộ số hàng hóa vi phạm.
Theo ông Nguyễn Quang Huy, Phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM, tính đến hiện tại, trên địa bàn TP.HCM chưa phát hiện vụ việc nào có dấu hiệu sản xuất hoặc buôn bán sữa giả.
Tuy nhiên, Chi cục Quản lý thị trường tạm giữ 2.654 hộp sữa các loại và 40 kg bột sữa, tổng trị giá hơn 188 triệu đồng, xử phạt trên 165 triệu đồng, buộc tiêu hủy toàn bộ số sữa vì vi phạm về kinh doanh hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng quá hạn sử dụng qua 7 vụ kiểm tra.
Trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm hàng giả, hàng kém chất lượng, năm 2024 và quý 1/2025, Chi cục Quản lý thị trường đã tiến hành kiểm tra, xử lý 590 vụ vi phạm liên quan đến thực phẩm, tạm giữ gần 333.000 đơn vị sản phẩm thực phẩm không có hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ với trị giá hơn 11 tỉ đồng.
Advertisements X
Trong đó, nhiều vụ việc lớn đã được phát hiện và xem xét xử lý vi phạm như: phát hiện, xử lý gần 50 tấn nội tạng động vật đông lạnh không rõ nguồn gốc ở TP.Thủ Đức; xử lý gần 7 tấn đường tinh luyện nhập lậu ở H.Củ Chi; xử lý hơn 18.000 chai bia nhập lậu ở Q.12 và xử lý 1 tấn khô bò không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Đặc biệt, Đội Quản lý thị trường số 6 đã chuyển Cơ quan CSĐT 4 vụ có dấu hiệu tội phạm kinh doanh hàng giả là thực phẩm (sản phẩm đào đóng hộp).
Ông Nguyễn Quang Huy, Phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM thông tin về sữa vi phạm xuất xứ, quá hạn sử dụng trên địa bàn TP.HCM
ẢNH: UYỂN NHI
Giải pháp ngăn chặn hàng giả, sữa và hàng kém chất lượng
Để ngăn chặn hàng giả, hàng kém chất lượng. Thời gian tới, Chi cục Quản lý thị trường bám sát sự chỉ đạo trực tiếp của Sở Công thương TP.HCM để tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường. Đặc biệt chú trọng công tác rà soát các cơ sở sản xuất, kinh doanh, đại lý, các kênh phân phối…
Ngoài ra, đẩy mạnh phối hợp liên ngành để tạo sức mạnh tổng hợp trong công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng kém chất lượng, đặc biệt là hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Cùng với đó, nâng cao hiệu quả tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn thực phẩm, về tác hại của hàng giả, hàng kém chất lượng đến người tiêu dùng; xử lý nghiêm các vi phạm sản xuất hàng giả, kém chất lượng.
Cuối cùng, duy trì và công khai số điện thoại đường dây nóng của Chi cục Quản lý thị trường và các Đội Quản lý thị trường để kịp thời tiếp nhận phản ánh, khiếu nại của người tiêu dùng về các vấn đề liên quan đến nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng sản phẩm mà đặc biệt trong đó là mặt hàng thực phẩm.