Bà Rịa-Vũng Tàu: Người dân nói gì trước khi sáp nhập tỉnh?

Advertisement

Vũng Tàu là 1 trong 52 đơn vị hành chính cấp tỉnh thuộc diện phải sắp xếp. Vậy, người dân nơi đây nghĩ gì và kỳ vọng gì trong công cuộc này?

Vừa qua, Bộ Tư pháp đã công bố hồ sơ thẩm định dự thảo và tờ trình về Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính.

Theo đó, dự kiến cả nước có 11 đơn vị hành chính cấp tỉnh là giữ nguyên, còn 52 đơn vị hành chính cấp tỉnh (4 thành phố và 48 tỉnh) thuộc diện phải sắp xếp.

Mở ra không gian phát triển rộng lớn

Trước khi trình Quốc hội, Đề án sáp nhập tỉnh, thành phố sẽ được lấy ý kiến nhân dân tại các đơn vị hành chính cấp xã chịu ảnh hưởng trực tiếp.

Việc lấy ý kiến nhân dân đối với việc sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính là thực hiện theo quy định tại Hiến pháp. Theo điều 110 Hiến pháp về đơn vị hành chính của chính quyền địa phương quy định: Việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính phải lấy ý kiến nhân dân địa phương và theo trình tự, thủ tục do luật định.

Những ngày này, ở Bà Rịa – Vũng Tàu, nơi được coi là thủ phủ dầu khí, việc sáp nhập tỉnh, thành phố là câu chuyện được người dân bàn thảo sôi nổi, quan tâm.

Ông Trần Công Hiếu, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Sài Gòn -Vũng Tàu cho rằng việc sáp nhập giúp các lĩnh vực kinh doanh như thương mại, dịch vụ, du lịch, bán lẻ … mang tính địa phương được phát triển. Ảnh: Nguyễn Ngọc

Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, ông Trần Công Hiếu, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Sài Gòn -Vũng Tàu (TP. Vũng Tàu) đánh giá, chủ trương sáp nhập tỉnh, bỏ cấp huyện và tổ chức chính quyền 2 cấp từ tỉnh xuống xã là chủ trương phù hợp, là mô hình chính quyền tiến bộ và phù hợp với quy luật tất yếu khi các nền tảng số hoá, xã hội số, thương mại điện tử… đang trên đà phát triển. “Thực tiễn cho thấy, chuyển đổi số trong những năm gần đây đã giúp thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội và gia tăng năng suất lao động”, ông Hiếu nói.

Ông Hiếu cho rằng, việc bỏ cấp huyện sẽ mang lại nhiều lợi ích đáng kể như: Tinh gọn và giảm chi phí cho bộ máy chính quyền; quyền tự chủ cho cấp trực tiếp (cấp xã) sẽ được tăng cường; nâng cao hiệu quả công việc và rút ngắn các quy trình xử lý thủ tục hành chính cho người dân.

“Việc sáp nhập một số tỉnh thành có vị trí địa lý gần nhau tôi nghĩ sẽ giúp các vùng kinh tế trọng điểm không bị chia nhỏ bởi ranh giới hành chính từ đó có thể sử dụng tốt nguồn nhân lực tạo thuận lợi cho việc phát triển kinh tế đặc biệt là quy hoạch phát triển kinh tế vùng. Ngoài ra, việc sáp nhập giúp các lĩnh vực kinh doanh như: Thương mại, dịch vụ, du lịch, bán lẻ … mang tính địa phương được phát triển. Tập quán mua sắm, cách thức kinh doanh có tính địa phương được thúc đẩy từ đó mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và người tiêu dùng”, ông Hiếu nhận định

Nguồn : https://congthuong.vn/ba-ria-vung-tau-nguoi-dan-noi-gi-truoc-khi-sap-nhap-tinh-380484.html

Advertisement