Chuyện không thể chấp nhận ở phòng cấp cứu

Việc bé trai được đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định cấp cứu nhưng bị phản ánh “phải đóng đủ tiền mới cấp cứu” đã gây ra làn sóng bức xúc trong dư luận

Dù chưa thể khẳng định rõ mức độ tổn thương của bệnh nhi ngay tại thời điểm nhập viện, nhưng vụ việc vẫn làm dấy lên tranh cãi về quy trình tiếp nhận cấp cứu và nghĩa vụ của cơ sở y tế trong các tình huống khẩn cấp.

Không trì hoãn cứu chữa

Trong ngày 5-5, đích thân Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã đến thăm nạn nhân trong vụ tai nạn giao thông – bệnh nhi M.T.A. (4 tuổi, quê Nam Định) – đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Tại đây, bà Lan chia sẻ và động viên gia đình bệnh nhi, khẳng định bệnh viện sẽ nỗ lực hết sức để chăm sóc và điều trị tốt nhất cho cháu. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh rằng gia đình có thể yên tâm vào đội ngũ y – bác sĩ tại bệnh viện.

PGS-TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết ngay sau khi tiếp nhận bệnh nhi từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định vào chiều 3-5, các bác sĩ đã khẩn trương thực hiện các xét nghiệm và chụp cắt lớp để đánh giá tình trạng. Cháu A. bị tai nạn nghiêm trọng do xe ba bánh tự chế cán qua người nhưng sau ca phẫu thuật cấp cứu đêm cùng ngày, tình trạng của bệnh nhi đã có nhiều tiến triển. Sau một ngày thở máy, bệnh nhi đã cai máy thở và tự thở, qua giai đoạn nguy kịch.

Về sự việc phản ánh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định liên quan đến yêu cầu tiền tạm ứng trước khi cấp cứu, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết Bộ Y tế đã chỉ đạo Cục Quản lý khám, chữa bệnh yêu cầu Sở Y tế tỉnh Nam Định khẩn trương rà soát quy trình tiếp nhận và xử lý cấp cứu bệnh nhân, đối chiếu với các quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh và xử lý nghiêm nếu phát hiện vi phạm.

Bộ trưởng cho biết để bảo đảm tính khách quan, Sở Y tế tỉnh Nam Định đã mời Công an tỉnh tham gia rà soát lại toàn bộ quy trình liên quan đến sự việc. Kết quả sẽ được báo cáo lên Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định và Bộ Y tế để có phương án xử lý phù hợp. “Nếu phát hiện sai phạm, sẽ xử lý nghiêm khắc” – Bộ trưởng khẳng định.

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng nhấn mạnh cấp cứu người bệnh luôn là ưu tiên hàng đầu của ngành y tế, không thể để yếu tố tiền bạc hay bất kỳ lý do nào trì hoãn quá trình cứu chữa.

Chuyện không thể chấp nhận ở phòng cấp cứu - Ảnh 1.

Lãnh đạo Bộ Y tế thăm bệnh nhi M.T.A. đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương

Nguyên tắc bất thành văn

Nhìn nhận về sự việc này, PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng Khoa Nhi – Bệnh viện Bạch Mai (TP Hà Nội), cho biết theo quy định, mọi trường hợp cấp cứu đe dọa tính mạng đều phải được xử trí ngay lập tức, bất kể người bệnh là ai, cũng phải cứu. Trong tình huống đó, yếu tố tiền bạc, giấy tờ, danh tính hay bệnh án không phải là điều kiện tiên quyết để tiến hành cấp cứu. Trách nhiệm của bác sĩ là ưu tiên cứu người. Tuy nhiên, việc một trường hợp có được xác định là “cấp cứu khẩn cấp” hay không phải do bác sĩ trực tiếp khám và đánh giá. Nếu có tranh cãi, cần làm rõ bằng cách đối chiếu hồ sơ chuyên môn và lập hội đồng chuyên môn độc lập đánh giá để bảo đảm khách quan, tránh quy chụp phiến diện cho nhân viên y tế.

PGS Dũng nhấn mạnh việc xác định tình trạng nguy kịch có ảnh hưởng đến tính mạng hay không phải là chuyên môn của bác sĩ, không thể chỉ dựa trên cảm nhận chủ quan của người nhà bệnh nhân.

Một bác sĩ cấp cứu gần 20 năm kinh nghiệm tại một bệnh viện trên địa bàn TP Thủ Đức (TP HCM) cũng cho rằng với bác sĩ, nguyên tắc tối cao trong cấp cứu luôn là cứu sống người bệnh bất kể họ có tiền hay không. “Nếu bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch, bác sĩ phải xử lý ngay. Không thể trì hoãn vì tiền bạc. Điều đó không chỉ là đạo đức nghề y mà còn là quy định đã được pháp luật ghi rõ” – vị bác sĩ nói.

Tuy nhiên, thực tế không đơn giản như vậy. Cấp cứu không phải là ai tới cũng phải được xử lý ngay. Các bệnh viện hiện nay đều áp dụng hệ thống sàng lọc cấp cứu theo bảng phân loại màu. Màu đỏ – cần xử trí khẩn cấp; vàng – cần can thiệp sớm; xanh – có thể chờ; trắng – không thuộc diện cấp cứu; và đen – không còn khả năng cứu sống. Quy trình này giúp bảo đảm bệnh nhân nặng được ưu tiên thực sự, tránh tình trạng lộn xộn. “Nhiều người vào bệnh viện nghĩ mình đang cấp cứu nhưng thực ra chỉ là sốt nhẹ hay trầy xước. Trong khi đó, có ca đang sốc mất máu, chấn thương kín, cần xử trí từng phút. Chúng tôi phải sàng lọc trước, mới quyết định đưa vào khu cấp cứu” – vị bác sĩ lý giải.

Cũng theo bác sĩ này, các tình huống bệnh nhân không có người thân, không có tiền, không giấy tờ không phải là hiếm. Mỗi ngày, tại khoa cấp cứu của bệnh viện nơi ông công tác tiếp nhận khoảng 100 trường hợp đến cấp cứu. Vì vậy, hầu như ngày nào khoa cũng gặp vài ca như vậy. Có ca đưa vào cấp cứu xong thì… bỏ đi luôn. Không để lại thông tin, không ai thanh toán. Bệnh viện thì không thể đòi bác sĩ bỏ tiền túi ra được. Thế nhưng, đã là cấp cứu thực sự thì bác sĩ vẫn phải làm. Đó là lý do vì sao mỗi bệnh viện đều cần có quy trình riêng cho các tình huống bất thường. Tại Khoa Cấp cứu nơi bác sĩ này công tác, có các bước xử lý rõ ràng cho trường hợp không có thân nhân, không thể xác định nhân thân ngay như bác sĩ hội chẩn, xác nhận tình trạng, thực hiện thủ thuật nếu cần, rồi báo cáo sau. “Cứu người trước, tính sau” là nguyên tắc bất thành văn.

Dẫu vậy, áp lực không nhỏ. Trong bối cảnh nhiều bệnh viện đang tự chủ tài chính, bài toán chi phí ngày càng căng. “Bệnh viện không phải là nơi từ thiện. Mọi can thiệp đều tốn kém. Nhưng bác sĩ không thể vì sợ thất thu mà bỏ mặc sinh mạng bệnh nhân” – vị bác sĩ thẳng thắn. Nhìn lại vụ việc ở Nam Định, vị bác sĩ chia sẻ có thể bác sĩ tại đó đang làm theo quy trình – nhưng thiếu linh hoạt và nhất là thiếu sự thấu cảm cần thiết. “Khi niềm tin đã tổn thương, người ta không nhìn thấy quy trình, chỉ nhìn thấy thái độ” – ông nói.

https://nld.com.vn/chuyen-khong-the-chap-nhan-o-phong-cap-cuu-196250505210203298.htm