
– Theo Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), các cơ quan, đơn vị thuộc chính quyền cấp huyện sẽ chấm dứt hoạt động kể từ 1/7/2025.
Bộ Nội vụ đang thực hiện việc lấy ý kiến góp ý với dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).
Theo tờ trình của Bộ Nội vụ, căn cứ chính trị để xây dựng luật này là để sửa đổi, bổ sung pháp luật nhằm thực hiện định hướng của Bộ Chính trị, Ban Bí thư tại Kết luận số 126-KL/TW ngày 14/2/2025, Kết luận số 127-KL/TW ngày 28/2/2025 và Kết luận số 130-KL/TW ngày 14/3/2025.
Theo Kết luận số 127, Bộ Chính trị, Ban Bí thư yêu cầu: “Nghiên cứu định hướng sáp nhập một số đơn vị cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, sáp nhập một số đơn vị cấp xã, thực hiện mô hình địa phương 2 cấp (tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể) bảo đảm tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả”.
Còn Kết luận số 130 nêu rõ hơn về chủ trương sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp (cấp tỉnh và cấp cơ sở, không tổ chức cấp huyện).
Chính vì vậy, trong dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), cơ quan soạn thảo đã lược bỏ hoàn toàn Mục 2 Chương IV Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện hành (bao gồm 3 điều: Điều 18, Điều 19 và Điều 20) quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp huyện.
Tại Điều 48 quy định về hiệu lực thi hành, dự Luật nêu rõ mốc thời gian chấm dứt hoạt động của chính quyền địa phương cấp huyện.
Cụ thể, Hội đồng nhân dân (HĐND), các cơ quan thuộc HĐND, Ủy ban nhân dân (UBND), Chủ tịch UBND, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện (bao gồm: Huyện, quận, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, thị xã) chấm dứt việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và hoạt động kể từ ngày 1/7/2025 (ngày dự kiến Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi có hiệu lực).
Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) có hiệu lực thi hành, Thường trực HĐND, các cơ quan thuộc HĐND, UBND, Chủ tịch UBND, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện phải hoàn thành việc bàn giao công việc, hồ sơ, tài liệu, tài chính, ngân sách, trụ sở, tài sản, cơ sở vật chất khác có liên quan cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền.
Việc bàn giao này phải bảo đảm cho hoạt động bình thường, liên tục, thông suốt của các cơ quan; không để gián đoạn công việc, không để chồng chéo, trùng lặp hoặc bỏ sót nhiệm vụ, lĩnh vực, địa bàn; không làm ảnh hưởng đến nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, hoạt động bình thường của xã hội, người dân, doanh nghiệp; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Ngoài ra, dự Luật cũng quy định: “Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định thành lập các Tổ công tác để chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức việc bàn giao công việc, hồ sơ, tài liệu, tài chính, ngân sách, trụ sở, tài sản, cơ sở vật chất quy định tại khoản này”.
Nguồn : https://dantri.com.vn/noi-vu/696-huyen-cham-dut-hoat-dong-tu-17-20250403234827076.htm#:~:text=(D%C3%A2n%20tr%C3%AD)%20%2D%20Theo%20D%E1%BB%B1,TPHCM%20(%E1%BA%A2nh%3A%20H.Q.).